Lượt xem: 899

Nuôi bò sữa gắn với bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, từ mô hình nuôi bò sữa, nhiều nông hộ ở huyện Mỹ Tú đã vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững, trong đó có hộ chị Châu Thị Kim Hương, ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng. Để việc chăn nuôi phát triển bền vững, chị Kim Hương luôn nỗ lực để làm sao vừa tăng đàn bò vừa góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

 


Mô hình nuôi bò sữa kết hợp nuôi trùn quế của chị Châu Thị Kim Hương. Ảnh Đoan Trang

 

    Sau khi lập gia đình và ra ở riêng vào năm 2008, cuộc sống gia đình chị Kim Hương gặp rất nhiều khó khăn khi không có ruộng đất sản xuất, thu nhập lại bấp bênh từ công việc làm thuê của chồng. Năm 2015, nhận thấy mô hình nuôi bò sữa ở địa phương phát triển nhanh, chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính xã hội để mua con bò sữa đầu tiên về nuôi. Tuy nhiên, do chị chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên bị thất bại; không nản chí, chị luôn nỗ lực, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm để việc nuôi bò sữa hiệu quả hơn. Nhờ đó, đến nay đàn bò sữa đã phát triển lên 9 con, trong đó 4 con đang cho sữa, vì vậy kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn trước rất nhiều. Chị Châu Thị Kim Hương chia sẻ: “Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nông dân nghèo vay 30 triệu để chăn nuôi, lúc đó bò sữa rất có giá, tôi mua được một con bò sữa về nuôi. Nhưng lúc đó kiến thức nuôi bò tôi chưa có, nhờ có mấy lớp dạy chăn nuôi bò sữa tôi đi học, nắm kỹ thuật về áp dụng, nên giờ tôi nuôi bò đã mang lại hiệu quả”.

    Đối với chị Kim Hương, đàn bò sữa là niềm hy vọng, là chìa khóa để gia đình chị vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Trong quá trình phát triển đàn bò, chị luôn trăn trở làm sao vừa tăng đàn nhưng phải vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Bên cạnh xây dựng công trình khí sinh học biogas từ nhiều năm trước, cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ, chị đã quyết tâm xây dựng mô hình nuôi trùn quế vào tháng 6-2020. Vì trùn quế dễ nuôi, lại sinh sản nhanh nên chị thấy mô hình này khá hiệu quả, bởi không những bán được trùn sinh khối, trùn thịt, chị còn thu gom lượng phân trùn để bán cho các điểm chuyên trồng rau sạch hay hoa kiểng nhờ đó có nguồn thu nhập thêm đáng kể. Chị Hương phấn khởi cho biết thêm: “Tôi thấy mô hình nuôi trùng quế này rất hay, vừa xử lý không ô nhiễm môi trường, mà trùn quế lại dễ bán, giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập”.

    Hộ chị Châu Thị Kim Hương là một trong những hộ nông dân tiên phong ở xã Thuận Hưng xây dựng mô hình nuôi trùn quế hiệu quả, góp phần trong việc tôn tạo cảnh quan và giải được bài toán chất thải không làm ảnh hưởng mùi hôi đối với các hộ gia đình xung quanh.

    Đồng chí Lý Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Tú nhận xét: “Mô hình nuôi trùn quế kết hợp với nuôi bò sữa, đây là mô hình mới vừa giải quyết được vấn đề môi trường và thu nhập, trùn quế dễ nuôi, nhưng người nuôi cần bỏ công chăm sóc và hiểu về đặc tính của trùn quế để chăm sóc hợp lý, đảm bảo cho trùn quế nuôi đạt hiệu quả”.

    Từ nhiều năm nay, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú đã từng bước vươn lên phát triển nhờ chăn nuôi bò sữa, bởi những người nông dân cần cù chịu khó với quyết tâm thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương. Song song với quá trình phát triển, người dân luôn chú trọng đến mô hình bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm nguồn nước, không khí bởi chất thải từ đàn gia súc nuôi tại hộ gia đình ở nông thôn, trong đó hộ chị Châu Thị Kim Hương đã góp phần để bảo vệ môi trường nông thôn vừa đảm bảo việc phát triển chăn nuôi bền vững.

Đoan Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 7196
  • Trong tuần: 77,903
  • Tất cả: 11,801,223